Những bộ phim tranh cãi và scandal tình dục luôn là điểm nóng tại mỗi mùa LHP Cannes.
Cannes được xem liên hoan phim lớn nhất thế giới, được tổ chức ở thành phố cùng tên ở phía đông nam nước Pháp, nằm gần Địa Trung Hải vào tháng 5 hàng năm. Sự kiện nổi tiếng với triết lý đặt nghệ thuật lên trên hết, khuyến khích và thúc đẩy sự sáng tạo. Và trong suốt chiều dài lịch sử hơn 7 thập kỷ tồn tại, chủ đề tình dục và Cannes được ví như hai yếu tố không thể tách rời.
LHP Cannes đang là tâm điểm chú ý của làng giải trí thế giới.
Tình dục – chủ đề muôn thuở tại Cannes
Theo tạp chí Guardian & Mail, những bộ phim mang đầy dục vọng luôn là đề tài hot tại Cannes.Từ lâu, liên hoan phim danh giá nhất thế giới nổi tiếng với những tác phẩm táo bạo, gây sốc khai thác đề tài này. Sở dĩ những LHP Cannes thường gây tranh cãi bởi ban tổ chức luôn đề cao tính sáng tạo, kêu gọi các đạo diễn mang đến những bộ phim mang đậm dấu ấn cá nhân.
Năm 1961, ban giám khảo chương trình tạo ra cơn địa chấn khi trao giải Cành Cọ Vàng cho Viridiana – bộ phim của đạo diễn lỗi lạc người Tây Ban Nha Luis Buñuel. Kịch bản kể về một cô gái trẻ xinh đẹp cùng tên đang chuẩn bị tiến hành những thủ tục cuối cùng để trở thành nữ tu. Trước khi tiến hành nghi lễ quan trọng nhất, Viridiana đến thăm người chú giàu có sống ẩn dật của mình. Tại đây, cô bị người này đánh thuốc mê vào cà phê. Khi tỉnh lại, chú của Viridiana tự nhận đã thực hiện hành vi đồi bại, cưới đi cái ngàn vàng và đồng thời khiến cô không còn đủ điều kiện làm tu sĩ nữa.
Viridiana – một trong những bộ phim gây tranh cãi nhất lịch sử điện ảnh thế giới.
Nội dung Viridiana khiến đông đảo khán giả tại Cannes và nhiều tổ chức Công giáo phẫn nộ. L’Osservatore Romano – tờ báo chính thống của Vatican – còn chỉ trích tác phẩm như “một sự báng bổ với chúa trời”. Bộ phim cũng bị cấm chiếu tại quê nhà Tây Ban Nha cho đến năm 1977. Theo các nhà sản xuất, chính quyền nước này thậm chí còn yêu cầu tiêu hủy bản phim nhựa của dự án. Tác phẩm còn tồn tại đến ngày nay là nhờ một số công ty hậu kỳ nước ngoài vẫn bảo lưu lại.
Ngay ở mùa tiếp theo, LHP Cannes tiếp tục chọn dự án đầy tranh cãi khác Mondo Cane vào trong danh sách đề cử Quả Cầu Vàng. Bộ phim do Paolo Cavara, Gualtiero Jacopetti và Franco Prosperi đồng đạo diễn tập hợp những thước phim tài liệu về những nghi thức tình dục kỳ quái trên thế giới. Đây cũng được xem là tác phẩm đầu tiên thuộc thể loại shockumentary (phim tài liệu có nội dung gây sốc) được giới thiệu tới khán giả toàn cầu. Khi đối mặt với hàng loạt lời chỉ trích từ dư luận, các đạo diễn của phim chỉ giải thích: “Tất cả những cảnh các bạn được xem là thật. Nếu chúng gây sốc, điều đó có nghĩa là thế giới này có rất nhiều điểm ghê rợn đang diễn ra”.
Mondo Cane là một bộ phim khác của Cannes khai thác đề tài tình dục gây chấn động làng điện ảnh thế giới.
Những năm gần đây, các bộ phim gây tranh cãi khai thác đề tài tình dục ở Cannes chỉ có dấu hiệu tăng chứ không giảm. Năm 2015, tác phẩm Love của đạo diễn Gaspar Noé gây chấn động khi chứa cảnh làm tình thật của các diễn viên trên màn ảnh. Đạo diễn của dự án còn tự hào nói rằng: “Đây là bộ phim có thể khiến đàn ông xem cảm thấy rạo rực, còn phụ nữ có thể phát khóc”.
Titane – thắng giải Cành Cọ Vàng 2021 – cũng khiến giới mộ điệu điện ảnh hoảng hốt khi khai thác câu chuyện nữ chính có sở thích tình dục quái lạ với những chiếc xe hơi. Tờ BBC cũng không quá lời khi gọi đây là “Bộ phim gây sốc nhất năm”.
LHP Cannes 2024 mới trải qua những ngày đầu tiên nhưng cũng đã giới thiệu tới hàng loạt tác phẩm tốn nhiều giấy mực của truyền thông. Bộ phim Megalopolis của đạo diễn Francis Ford Coppola mang đến hàng loạt cảnh gây sốc, với tiêu điểm là phân đoạn được ví như một cuốn băng sex giữa 2 ngôi sao đình đám Adam Driver và Shia LaBeouf. Kinds of Kindness – dự án điện ảnh mới nhất của Emma Stone – thậm chí còn khiến nhiều khán giả phải tháo chạy khỏi rạp vì nội dung rùng rợn và quá nhiều cảnh nóng nặng đô.
LHP Cannes mới ra mắt nhưng đã có nhiều tác phẩm gai góc, khó xem về đề tài tình dục.
Tuy nhiên, xét trên phương diện nghệ thuật, không ít tác phẩm trong số này được giới chuyên môn đánh giá cao. Nhiều dự án được nêu tên ở phía trên còn được các đơn vị như Viện Phim Anh, Thư viện Quốc hội Mỹ đưa vào danh sách những bộ phim điện ảnh xuất sắc nhất mọi thời, xếp hạng cần được bảo tồn. Vì vậy, cũng có ý kiến cho rằng sự “thoáng” của ban tổ chức Cannes phần nào có cơ sở, khi thúc đẩy các đạo diễn đi ra khỏi vùng an toàn và mang đến cho công chúng những tác phẩm có dấu ấn đậm nét. Việc xuất hiện nhiều bộ phim gây sốc, phản cảm cũng được xem là “một tác dụng phụ” khó tránh khỏi của hướng đi này.
Những câu chuyện ồn ào bên ngoài màn ảnh
Từ lâu, sự nổi tiếng, giàu có và ham muốn luôn là những đặc tính mà ban tổ chức liên hoan hướng tới. Nơi đây được ví như một “hội chợ phù hoa” ngoài đời thật, khi chỉ riêng những câu chuyện hỉ nộ, ái ố ở hậu trường cũng đủ để truyền thông khai thác suốt thời gian dài. Cannes luôn được biết đến là cái nôi thu hút những diễn viên trẻ đẹp, chưa nổi tiếng đến để tìm kiếm cơ hội đổi đời. Theo Hollywood Reporter, nhiều cô gái sẵn sàng “bán thân” để đổi lấy những vai phụ trong phim, đi kèm là visa đến Mỹ. Những người này được quản lý của họ khuyến khích để tạo những trò lố, ăn mặc gợi cảm nhằm tạo sự chú ý của truyền thông và những nhà sản xuất lớn.
Hàng năm, người ta có thể thấy đông đảo những cô gái như vậy xuất hiện trên đại lộ Croisette, cung đường ven biển thơ mộng tại Cannes. Năm 1953, ngôi sao Brigitte Bardot (khi đó mới 18 tuổi) từng trở thành chủ đề tranh cãi khi diện bikini đứng chụp hình cùng tài tử Kirk Douglas. Đúng 1 năm sau đó, nữ diễn viên gốc Ai Cập Simone Silva còn “chơi lớn” khi cởi trần đứng tạo dáng bên cạnh ngôi sao người Mỹ Robert Mitchum.
Hành động gây tranh cãi của Simone Silva tại LHP Cannes.
Vấn nạn tình dục cũng là đề tài được nhắc đi nhắc lại về liên hoan này mỗi năm. Có ý kiến từng nhận xét đây là nơi mà “mua dâm còn dễ hơn đặt pizza”. Tờ Daily Mail còn gọi ngành công nghiệp lớn thứ 2 tại Cannes sau phim ảnh chính là tình dục. Không ít những cô gái hành nghề mại dâm cũng xem đây là cơ hội đổi đời nếu gặp được những nhà sản xuất hào phóng, sẵn sàng đầu tư cho họ để trở thành diễn viên. Đồng thời, không ít ngôi sao danh tiếng từng lộ chuyện đến Cannes để qua đêm với đại gia kiếm tiền.
LHP Cannes cũng thường xuyên bị nhiều nhà hoạt động xã hội chỉ trích vì bị nghi dung túng cho những nghệ sĩ vướng bê bối tình dục. Nổi bật nhất phải kể đến “ông trùm Hollywood” Harvey Weinstein – người mới bị kết án tù vì tội ác chấn động của mình. Theo tài liệu điều tra, nhà sản xuất tai tiếng này từng nhiều lần quấy rối tình dục, hiếp dâm các sao nữ tại Cannes. Tuy nhiên, các hành động sai trái này sau đó đều được lấp liếm suốt nhiều năm.
Nhà sản xuất Harvey Weinstein bị cáo buộc từng quấy rối tình dục, hiếp dâm nhiều sao nữ tại Cannes.
Năm ngoái, ban tổ chức gây tranh cãi khi chọn trình chiếu bộ phim mới của Johnny Depp, cho dù trước đó nam diễn viên đã bị tòa án tại Anh kết luận có hành vi bạo hành vợ cũ Amber Heard. Ngay sau đó, nữ diễn viên người Pháp Adele Haenel cũng đăng bức tâm thư kêu gọi tẩy chay liên hoan phim danh giá vì tôn vinh nhiều cái tên từng vướng các cáo buộc hiếp dâm, quấy rối tình dục như Polanski hay Gerard Depardieu.
Ngay trước thềm buổi công chiếu phim Megalopolis hôm 16/5, một scandal đã nổ ra khi đạo diễn Francis Ford Coppola bị tố cáo đòi hôn vào ngực một nữ diễn viên phụ để nhằm giúp cô “tăng cảm xúc” trước khi đóng cảnh khỏa thân. Người đại diện của Francis Ford Coppola hiện từ chối phản hồi những cáo buộc này.
Không thể phủ nhận, bên cạnh các tác phẩm nghệ thuật đình đám được ra mắt, Cannes luôn hấp dẫn công chúng bởi hình ảnh xa hoa, phóng túng và cả những mặt tối đằng sau hậu trường. Nhà phê bình nổi tiếng Peter Bradshaw của The Guardian từng nhận xét tình dục chính là chất xúc tác tạo nên sự quyến rũ của liên hoan phim lớn nhất thế giới suốt nhiều năm qua, cả trên màn ảnh và ngoài đời thật. “Trong suy nghĩ của một số thành viên ban tổ chức, họ tin rằng sự gợi cảm của Cannes còn hấp dẫn hơn cả tình dục”, cây viết cho biết.